Sở Hoài Sơn: Một tập hợp ký hiệu, luôn chứa đựng nhiều khả năng. Ví dụ, giả thiết đều là ký tự ABC, nếu hàng thứ nhất xếp ∙. - - - - ∙, có thể giài ra là AOE, AMN, EON hoặc EMG thậm chí JN. Và nhiều khả năng khác nữa.
Na Lan: Tôi ù cả tai.
Sở Hoài Sơn: Đoán chữ, là khâu có tính quyết định. Mấu chốt là ta ngắt ở đâu, ∙ là E, ∙- là A, ∙- - là W, ∙- - - là J.
Na Lan: Hay ta bắt đầu bằng cách trực quan nhất, ngắt từ giữa đi, chia thành ∙- - và - -∙.
Anh lái xe bỗng ngoảnh lại nói, “Đến nơi rồi. Còn đi nữa không?” Na Lan giật mình, thì ra xe đã chạy đến cổng trường Đại học Giang Kinh. Cô chỉ lối cho anh ta đi tiếp, rồi lại cúi nhìn di động.
Sở Hoài Sơn: Hàng một W, G hàng hai U,S.
Na Lan ngây người nhìn bốn chữ cái cho đến lúc xe chạy đến cửa khu ký túc xá vẫn không nhận ra chúng có ý nghĩa gì, thậm chí không thể ghép thành bất cứ từ nào trong tiếng Anh.
“Kìa, chưa trả tiền!” Anh lái xe gọi.
Thì ra cô quên béng trả tiền taxi, cô xin lỗi rối rít và rút tiền trả. Trên gác lố nhố đầu thò ra nhìn ngó, phen này lại có mấy mẩu tin chọc ngoáy rồi đây.
Sở Hoài Sơn tiếp tục: Nếu ta giả thiết, chúng là các chữ số, và vẫn ngắt ở chính giữa, quy tắc Morse thông thường, không giải được, nhưng có thể dùng cách viết tắt của Morse. Hàng 1 là 3, 7. Hàng hai là 2, 5.
Na Lan nhìn bốn chữ số, bỗng thở gấp, tay cũng run run. Sau đó toàn thân như đông cứng, đang mùa xuân mà cảm giác như giá buốt mùa đông đột ngột quay về. Vài giây sau cô chạy ào ra khỏi cửa ký túc xá. Chiếc taxi vừa nãy chạy ngay phía trước, đang tà tà rẽ qua vườn hoa ký túc. Cô đuổi theo, gọi to, “Chờ đã! Chở tôi đến một nơi nữa!”
Mấy cái đầu lại lố nhố thò ra trên gác ký túc, ngó nhìn “nữ vương lắm chuyện của Đại học Giang Kinh” tiếp tục lên taxi.
Nhà số 3, nhóm 7, số phòng 25.
Dân ở đây chủ yếu là các “bô lão” trong ngành công an, được phân nhà từ đời nảo đời nào. Họ là công an về hưu hoặc con cháu của họ. Chủ nhân căn hộ số 25 là người độc thân, một cảnh sát già, Trần Ngọc Đống.
Tại sao chữ mới của Mễ Trị Văn lại chỉ vào chỗ ở của ông Trần Ngọc Đống? Xét về lý thì chỉ có một khả năng, đến đó sẽ tìm ra một bộ hài cốt trong vụ án “ngón tay khăn máu”.
Làm gì có chuyện đó!
Trần Ngọc Đống là người cảnh sát đầu tiên tiếp xúc với vụ án “ngón tay khăn máu”, và cũng là người luôn không mệt mỏi, miệt mài nghiên cứu khám phá vụ án này suốt bao năm trời, về hưu rồi mà vẫn hỗ trợ cảnh sát điều tra tiếp. Sao chỗ ở của ông lại là nơi chứa hài cốt của một nạn nhân? Tại sao ông ta phải cất giấu nó?
Chỉ có một cách giải thích.
Ông ta là hung thủ.
Một cách giải thích quá viễn tưởng hão huyền. Ông ta đã vất vả điều tra vụ án, sao lại biến thành hung thủ được? Trừ phi ông ta giống như bộ khoái Lã Diệp Hàn trong cuốn Không dũ tùy đàm, quá đắm đuối, suy đoán nắm bắt tâm tư hung thủ, đến nỗi chính mình tẩu hỏa nhập ma, rồi mô phỏng hung thủ để gây án!
Na Lan càng nghĩ càng thấy sợ, Lã Diệp Hàn tẩu hỏa nhập ma, tại sao Trần Ngọc Đống lại không thể? Khoa Tâm lý học biến dạng và Thần kinh học đã dẫn ra vô số ví dụ, vì nhập vai quá sâu hoặc đi sâu quá mức đối với một hành vi nào đó sẽ dẫn đến biến dạng thần kinh.
Nhưng tạm thời chớ vội kết luận. Đây có thể chỉ là một trò bỡn cợt của Mễ Trị Văn, một cách đánh lạc hướng, một phần của trò chơi vô duyên của lão. Na Lan đứng xa xa bên ngoài nhà Trần Ngọc Đống, cố nhớ lại khung cảnh trong nhà ông ta, không có tủ lạnh cỡ lớn để có thể chứa một bộ xương hoàn chỉnh.
Rành rành là chuyện hoang tưởng.
Nhưng cô cũng không muốn nhún vai rồi ra về cho gọn chuyện. Hai chữ trước đây của Mễ Trị Văn đã đem lại thu hoạch, lẽ nào lần này ra về tay không? Nên làm gì bây giờ? Gọi điện cho Ba Du Sinh hoặc Kim Thạc, nhưng nên nói gì? Các anh cử người đến khám nhà Trần Ngọc Đống, có thể trong đó đang giấu một bộ hài cốt của vụ “ngón tay khăn máu”?!
Vẫn là chuyện hoang tưởng.
Đúng lúc ấy, cô ngờ ngợ có người đang nấp ở đâu đó theo dõi mình, bèn đưa mắt nhìn bốn xung quanh. Bóng tối và bóng tối, tất cả chỉ có bóng tối. Hễ đi tìm hài cốt là cô lại có cảm giác bị ai đó bám theo. Tại sao? Hay là ma? Là oan hồn của nạn nhân? Cô quyết định ra khỏi bóng tối, bước đi chầm chậm. Không thấy bóng ai di chuyển, không thấy kẻ dõi theo mình, hoặc có lẽ hoàn toàn không có chuyện đó mà chỉ là mình bị ám ảnh mà thôi.
Cô đi quanh nhà số 3 một vòng, lúc đến cửa sổ căn hộ của Trần Ngọc Đống, cô ngạc nhiên, bên ngoài cửa sổ là một bồn hoa nho nhỏ đơn giản, khóm hoa tròn tròn, được vây lại bằng vài phiến đá hình chữ nhật.
Đường tròn, và vạch thẳng.
Có 8 khóm hoa, dùng hơn 12 phiến đá vây lại. Có phải các đường tròn và vạch thẳng kia ám chỉ hài cốt được cất giấu dưới đất không?
Cô sờ vào di động. Ít ra Kim Thạc có thể đem người đến đào xới bồn hoa.
Đúng lúc ấy, cô trông thấy Trần Ngọc Đống.
Ông ta đang lững thững đi ra phía ngoài khu tập thể, hoàn toàn không nhận ra Na Lan đang đứng bên nhà mình. Dáng ông hơi gù, cúi đầu, tựa hồ đang nghĩ ngợi. Na Lan đứng nguyên tại chỗ nhìn cho đến khi ông ta chìm vào bóng tối.
Cô quay trở vào hành lang nhóm căn hộ số 7.
Cửa nhà Trần Ngọc Đống đóng im im, cô thử đẩy cửa, không được. Cô soi đèn pin, ổ khóa đơn giản cũ kỹ, chắc là có từ mười mấy năm trước hồi xây khu nhà này. Cô nhớ lại lần trước đến nhà Trần Ngọc Đống, ông ta cầm chìa khóa khẽ vặn một cái là được ngay. Tức là ổ khóa cực đơn giản, ông già độc thân chẳng có của nả gì lại là cựu cảnh sát ở khu tập thể công an, khỏi cần cải tạo nhà cửa cho chắc chắn cũng là chuyện thường tình.
Cho đến hôm nay, Na Lan có thể bạo mồm tự xưng mình là công an nghiệp dư cũng không ngoa, cái khóa cổ lỗ này bất cứ ai cũng mở được, cô cần một mảnh nhựa.
Cô mở ví lấy ra chiếc thẻ ngân hàng ấn vào khe cửa, từ từ nhích nhích... hơn chục giây sau đã mở được cửa.
Lia đèn pin. Cảnh tượng vẫn như mấy hôm trước nhìn thấy, các chồng sách xếp kín mặt sàn, chỉ có thể đứng tạm. “Càn quét” một lúc, cô kết luận, không có bất cứ thứ gì có thể chứa một bộ hài cốt, cũng không ngửi thấy mùi gì khó chịu. Cô bước vào buồng ngủ, soi đèn nhìn kỹ gầm chiếc giường đơn của Trần Ngọc Đống, cũng không có hòm xiểng gì. Mặt sàn lát gạch bình thường, không có vết khe hở hay tấm ván nào khả nghi.
Trong bếp chỉ có chiếc tủ lạnh cỡ trung bình. Na Lan ngờ ngợ, dù không chứa nổi một bộ hài cốt nhưng nếu gỡ nhỏ, phân tán ra thì sao?
Hão huyền!
Nhưng cô vẫn mở tủ lạnh ra.
Chỉ thấy hai bát thức ăn còn thừa, một chai nước quất, một âu cơm nhỏ, và một ít rau xanh còn nguyên mớ. Cô mở ngăn đá phía trên. Một túi bánh gói đông lạnh, một túi đùi gà, một túi chân gà.
Cô chợt nghĩ.
Chân gà?
Cô soi đèn vào một cái túi nilon được quấn rất chặt.
Một vật nặng giáng thẳng vào đầu. Na Lan gục ngay xuống chết ngất.
Chương 27: Tẩu hỏa nhập ma
Đêm khuya, đất xốp rơi xuống rào rào, người xúc đất rất thạo việc, rất khỏe, làm rất nhanh chỉ sau vài phút một nửa cái hố đã ngập đất.
Sự sống của cô cũng chỉ còn một nửa.
“Em van anh, anh cảnh sát...” Cô nài xin, giọng tắc nghẹn bởi cái khăn nhét trong miệng, chỉ nghe âm thanh ú ớ trong cổ họng.
“Xùy...” Cái xẻng trong tay kẻ kia vẫn không dừng lại, hình như hắn muốn kết thúc thật nhanh tội ác này.
“Anh ơi, anh tha cho em, rồi bắt em làm gì cũng được. Em cam đoan sẽ không nói ra.” Cô tiếp tục cầu xin, tiếp tục ú ớ không thành tiếng. Những câu này cô đã nói từ trước khi bị chôn, đã nói khi ngón tay trỏ của cô bị chặt đứt, nhưng cứ như nói với một kẻ điếc ung điếc đặc.
Kẻ đang chôn cô bắt đầu mở miệng, nói nhỏ, như lẩm bẩm với mình, và rõ ràng là không nhằm trả lời cô, “Như thế này, tốc độ lấp đất sẽ chậm hơn, không bịt mồm, vẫn có thể tiếp tục nói chuyện với nạn nhân… cảm giác sẽ là gì? Có thể mủi lòng không?” Hắn dừng lại, ngồi thụp xuống, thò cái xẻng xuống hố, lưỡi xẻng ghí sát vào mồm nạn nhân, hình như đang ghĩ xem có nên moi cái khăn mặt ra khỏi mồm cô ta không.
“Nếu nạn nhân cứ van xin khóc lóc mãi, hung thủ sẽ có cảm giác gì?” Hắn tự hỏi rồi tự trả lời, “Hắn sẽ càng khoái trá thưởng thức, thấy mình là nhân vật đầy bản lĩnh, đầy sức mạnh. Đây chẳng phải khát vọng ban đầu của hắn sao? Nhưng nếu không trải nghiệm thì làm sao biết được?”
Hắn khều cái khăn mặt ở miệng nạn nhân ra, khăn rơi xuống hố. Cô ta khóc ré lên như đứa trẻ sơ sinh đói bụng đòi ăn, tiếng thét lay động màn đêm. Không thấy thỏa mãn, hắn nhìn quanh rồi quát. “Câm mồm!” Và tiếp tục lấp nốt cái hố, đất hắt xuống ngập miệng cô, chặn ngay tiếng khóc.
Lúc Na Lan tỉnh lại, thì thấy ngón tay ai đó nhấc ra khỏi huyệt nhân trung của mình. Cảm giác đầu tiên của cô là sau gáy đau nhức kinh khủng, câu đầu tiên cô nói là, “Tại sao ông biết họ bị chôn sống?”
Rồi cô nhận ra mình đang nằm trên chiếc giường cá nhân, tay chân đều bị trói chặt bằng thừng nilon. Người ấn huyệt nhân trung của cô là Trần Ngọc Đống. Dưới ánh đèn yếu ớt trong căn nhà chật chội, mặt ông ta tối sầm.
“Chôn sống cái gì?” Giọng Trần Ngọc Đống đầy kinh ngạc.
“Tại sao ông biết các nạn nhân trong vụ án ‘ngón tay khăn máu’ bị chôn sống? Rồi chính ông mô phỏng hung thủ! Ông đã chôn một nạn nhân ở bồn hoa ngoài cửa sổ, đúng không?” Na Lan quên cả phản đối việc mình bị trói.
Trần Ngọc Đống lắc đầu, “Cô đang nói lăng nhăng gì thế? Tôi đang muốn hỏi cô, ai cho phép cô đột nhập nhà riêng của tôi? Cô đang định làm gì? Cô đi phá án hay là cô có quan hệ gì với hung thủ, cô đến để phá hoại điều tra?”
“Phá hoại?” Na Lan cười nhạt. “Tôi đến để khuyên ông đối diện với quá khứ của mình, đối diện với con người thực của mình, khuyên ông đi đầu thú, vẫn còn kịp.”
“Tôi biết cô làm về Tâm lý nhưng hình như cô quá trớn rồi. Tôi làm sao mà phải đi đầu thú, tôi có gì mà phải đối diện?”
Na Lan nhớ đến Lã Diệp Hàn trong cuốn Không dũ tùy đàm, vì quá đi sâu nghiên cứu hành vi của hung thủ, rồi chính mình bị đa nhân cách, nhân cách vốn có của ông ta lại không nhận ra sự tồn tại của nhân cách tà ác. Na Lan hít sâu một hơi, rồi nói, “Có lẽ chính ông không nhận ra rằng có hai con người đang tồn tại trong mình.”
“Cô càng nói càng kỳ quặc. Cô lén vào nhà tôi để làm gì?”
“Ông đã bao giờ nghĩ chưa, tại sao kết quả suy diễn tâm lý tội phạm đều phù hợp với La Cường? Vì hắn có khả năng rất lớn để gây án, các chứng cứ cũng đáng tin, nhưng khi xử lý hắn rồi thì các vụ án ‘ngón tay khăn máu’ vẫn xảy ra? Liệu có phải La Cường đúng là hung thủ gây ra mấy vụ án trước đó, và hắn đã bị xử tử, còn các vụ án xảy ra sau này là do một hung thủ khác gây ra. Người đi sâu nghiền ngẫm vụ án đã đắm chìm trong đó, đến nỗi biến dạng nhân cách rồi cũng làm theo? Đây là hiện tượng Tâm lý học bệnh trạng thường gặp. Tiếp xúc với những chuyện ghê rợn quá lâu, dù bản thân cực kỳ căm ghét thì vẫn có thể bị biến đổi, chính người ấy nhập vào bộ não mình quá nhiều chuyện ghê rợn, hoặc vì có quá nhiều câu hỏi, chỉ còn cách chính mình trải nghiệm thì mới giải đáp được. Ông là người nghiên cứu vụ ‘ngón tay khăn máu’ chuyên sâu nhất, vì suốt đêm ngày ông nghĩ về nó, đến nỗi bị nó lây nhiễm, có thể như thế không?”
Trần Ngọc Đống bàng hoàng trước những lời này của Na Lan. Ông ta đờ ra một lúc, rồi nói, “Ý cô là từ năm 1990 trở đi tôi luôn gây án, các vụ án ‘ngón tay khăn máu’ xảy ra sau khi xử tử La Cường là do tôi làm? Còn chính tôi thì không biết gì?”
“Những ý nghĩ tà ác, những nghi vấn về tà ác, đều dần dần tích tụ và thấm vào tiềm thức của ông, vì ông đi sâu suy nghĩ về chúng quá lâu ngày. Con người bình thường của ông không thể kiểm soát con người tội phạm tiềm thức, thậm chí ông hoàn toàn không hay biết nữa.”
“Rốt cuộc cô có chứng cứ gì?”
“Chứng cứ không nhiều, nhưng về cơ bản tôi có thể khẳng định bên dưới cửa sổ nhà ông có chôn một xác người bị hại…”
Trần Ngọc Đống bỗng ngoảnh sang quát lớn, “Cô cho rằng mình học về tâm lý thì có thể bỡn cợt tôi như đứa trẻ con hay sao? Cô vừa nói toàn những chuyện điên rồ, thật ra cô có mục đích gì?”
Một tiếng động lớn, cửa bỗng bị bật tung kèm theo tiếng hô, “Giơ tay lên! Cấm nhúc nhích!”
Phán đoán của Na Lan rất chính xác, hoặc nói là, Mễ Trị Văn đưa ra câu đố chữ đã “chỉ điểm” rất chính xác. Dưới bồn hoa ngoài cửa sổ nhà Trần Ngọc Đống, đào được bộ hài cốt nạn nhân Phạm Tiểu Lâm bị giết năm 1997.
Cảnh sát kịp thời đến nơi là nhờ có Sở Hoài Sơn báo tin. Na Lan trước đó đã cho anh biết suy luận của mình về bốn chữ số 3, 7, 2, 5. Vì cô bị Trần Ngọc Đống đánh ngất, Sở Hoài Sơn không liên lạc được, bèn báo ngay cho Ba Du Sinh.
Lần đầu tiên trong đời, Trần Ngọc Đống từ người đi bắt biến thành kẻ bị bắt.
Lần thứ hai Na Lan đến trình diện ở phòng cấp cứu, may mà Chu Trường Lộ không phụ trách trực ban, nếu có mặt, ông sẽ làm đúng trách nhiệm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, cấm Na Lan xuất viện. Cô bị kiểm tra và xét nghiệm một lô một lốc, tạm loại trừ khả năng chấn thương sọ não cấp tính. Cô liền gọi cho Ba Du Sinh, “Bao giờ các anh thẩm vấn Trần Ngọc Đống?”
Ba Du Sinh hơi do dự: “Rất nhanh thôi. Ngay lập tức!”
“Em muốn có mặt ở đó. Đứng ngoài cửa sổ nhìn cũng được.”
Ba Du Sinh lại do dự. “Sếp Kim Thạc phụ trách thẩm vấn, tôi phải cách li theo quy định.”
Na Lan than vãn, “Lại thế rồi…”
“Đúng thế đấy! Vụ trọng án đầu tiên tôi làm trong nghề công an, chính là hợp tác với Trần Ngọc Đống. Hai chúng tôi xưa nay vẫn tử tế thân thiết, anh em trong Sở đều biết cả.”
“Thế thì hay nhỉ? Không thể phá lệ cho em à?”
Tiếng Kim Thạc lọt vào di động của Ba Du Sinh, “Ai thế? Na Lan định đến à? Anh cứ từ chối đi!”
Lại một lúc chần chừ. Rồi Ba Du Sinh nói, “Ừ thì cô đến!”
Lần này đến lượt Na Lan do dự, “Như thế… e không hay?”
Ba Du Sinh, “Có vấn đề gì thì tôi gánh chịu!”
Gặp Na Lan, Kim Thạc cười tươi như hoa, cứ như cái giọng văng vẳng cô nghe trong điện thoại lúc trước chỉ là giả bộ nguyên tắc cứng nhắc. Khi Ba Du Sinh bước vào phòng, Kim Thạc lại tỏ ra rất nghiêm chỉnh, “Na Lan chỉ được đứng ngoài nhìn, cấm không được tự ý hành động.”
Na Lan nói ngay, “Được đứng ngoài xem, là thỏa mãn rồi.”
Bên trong ô cửa sổ là phòng thẩm vấn chật chội, ngột ngạt. Ngồi trước cái bàn kê chính giữa, là Trần Ngọc Đống bỗng như già đi cả chục tuổi chỉ sau một đêm. Từ một cảnh sát kỳ cựu tràn đầy nhuệ khí vừa về hưu không lâu, nay biến thành một ông già suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần, hai tay bị còng, run run đặt trên bàn.
Kim Thạc đẩy cửa bước vào, nói giọng sòng phẳng, đậm chất công việc, “Anh Đống, bình thường thì tôi sẽ bắt tay anh, nhưng lần này đành thất lễ vậy.” Rồi anh ngồi xuống, không chờ Trần Ngọc Đống mở miệng, anh hỏi luôn, “Anh có thể giải thích về bộ hài cốt không?” Chiến thuật tấn công nhanh.
Trần Ngọc Đống sửng sốt, “Hài cốt nào?” Bị cảnh sát ập vào nhà rồi giải đi, sau đó hài cốt của Phạm Tiểu Lâm mới bị khai quật, nên ông ta sửng sốt là phải.
Tiền đề là nếu ông ta thực sự không biết.
Kim Thạc rất giàu kinh nghiệm thẩm vấn, không giải thích nhiều, anh hỏi tiếp, “Trong chuỗi vụ án ‘ngón tay khăn máu’, anh làm mấy lần?”
Trần Ngọc Đống chống hai tay lên bàn, đứng dậy, “Cậu hỏi cái câu khốn khiếp gì thế này?”
“Anh là người có kinh nghiệm thẩm vấn, mong anh sẽ hợp tác.” Kim Thạc không hề tức giận.
“Tôi là người điều tra vụ ‘ngón tay khăn máu’, cho đến nay tôi chưa từng rời xa vụ án này.”
“Trong tâm lý học tội phạm, có nói về hiện tượng tâm lý biến dạng, người phá án nhập vai trở thành hung thủ, các ví dụ như thế không hiếm đâu.” Kim Thạc vẫn bình tĩnh. “Anh có chặt ngón tay và giết các cô gái trẻ không?”
Lần này thì Trần Ngọc Đống bình tĩnh trả lời, “Không.”
“Anh có đem cái xác nào về chôn dưới khóm hoa khu tập thể không?”
Trần Ngọc Đống hoảng sợ, “Thế này thì… Na Lan nói là đúng à? Dưới khóm hoa ngòai cửa sổ nhà tôi có xác chết thật hay sao?”
Kim Thạc không trả lời.
Trần Ngọc Đống hiểu, sự im lặng đó là sự xác nhận, ông ta nghĩ một lúc rồi hỏi, “Kỹ thuận viên khám nghiệm hiện trường nói gì? Xác đã bị chôn ở đó bao lâu?”
“Họ đang phân tích. Anh cũng biết rồi, không ai có thể vừa nhìn thấy đã kết luận ngay được.” Kim Thạc ghi nốt câu cuối cùng vào sổ biên bản, rồi đứng lên, kết thúc cuộc thẩm vấn.
Tìm thấy xác Phạm Tiểu Lâm là một bước đột phá lớn, đồng thời cũng là một ngõ cụt.
Lúc Na Lan thức dậy, trời ngoài kia âm âm, không giúp cô nhận ra giờ giấc. Đồng hồ để bàn chỉ hơn 10 giờ sáng, cô đã ngủ hơn năm tiếng đồng hồ. Nửa đầu phía sau vẫn nhưng nhức, nhưng sự lo lắng bồn chồn vẫn choán hết tâm trí cô.
Có phải tất cả là do một mình Mễ Trị Văn đạo diễn không? Không! Lão bị bệnh tật trói chặt trên giường trong buồng bệnh nặng. Hung thủ thực sự thì đang chờ thời cơ gây án, hung thủ là ai? Cô gái bất hạnh nào sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Không hiểu sao những câu nói cũa Trần Ngọc Đống trong phòng thẩm vấn vẫn đeo bám cô. Tại sao cần đưa ngón tay đứt cho chuyên gia trinh sát hình sự quốc tế kiểm nghiệm? Để tìm những chi tiết mà mắt thường khó nhận ra. Hung thủ vụ “ngón tay khăn máu” dù là Mễ Trị Văn hay ai khác, dù không để lại cho công an nhiều manh mối nhưng không có nghĩa là không có manh mối gì.
Tại sao lại là các cô gái ấy? Hoàn toàn do lựa chọn ngẫu nhiên.
Các vụ án giết người hàng loạt đúng là có tính chất ngẫu nhiên, ví dụ giữa các nạn nhân không có mối liên quan gì, giữa các nạn nhân và hung thủ cũng có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng thường là phải có một quy luật nhất định. Ví dụ một số vụ án giết người hàng loạt “nổi tiếng” trong lịch sử, vụ Jack the Ripper ở Anh quốc giết người hàng loạt cuối thế kỷ 19 hoặc vụ Ted Bundy ở Mỹ giết người hàng loạt từ 1973 đến 1978, các nữ nạn nhân có hoàn cảnh và quá trình sống tương tự nhau.
Các nạn nhân đều là nữ.
Tên của nữ giới nghe mong manh yếu đuối. Na Lan vốn rất ghét cái lối nói vơ đũa cả nắm, cô thậm chí cho rằng đa số tên của nữ giới là mạnh mẽ. Nhưng cô cũng công nhận rằng về thể lực thì nữ giới tthuộc “phái yếu”, cho nên mới dễ trở thành đối tượng trong các vụ án mạng.
Nạn nhân trong vụ “ngón tay khăn máu” cũng không ngoại lệ. Na Lan nhớ đến các tấm ảnh cô đã xem, cô nào cũng có khuôn mặt dịu hiền và thân hình dong dỏng, mềm mại.
Cô chợt nghĩ, phải chăng đây là một quy luật chung, các cô gái này đều có khí chất nhu mì và ánh mắt hơi có nét u buồn.
Cô mở sổ tay, ghi họ tên các nạn nhân, Nghê Phượng Anh, Mã Vân, Tiết Hồng Yến, Quan Tinh, Điền Tú Cúc, Lý Vĩ Phần, Phạm Tiểu Lâm, Lư Bình, Dương Vi, Chu Kế Lôi, Đường Tĩnh Phương, Trương Lợi.
Na Lan đờ ra trước những cái tên.
Chẳng rõ bao lâu sau, di động bỗng reo chuông. Một giọng khàn khàn, “Na Lan, tôi muốn nói chuyện với cô.”
Là Trần Ngọc Đống. Na Lan tỉnh táo trở lại, nói, “Vừa khéo, cháu cũng đang định gặp chú.”
Trần Ngọc Đống qua đêm ở Sở Công an, sáng nay sau một loạt xét hỏi kiểm tra ông ta được thả ra về, việc đầu tiên muốn làm là nói chuyện với Na Lan. Hai người vào một quán mỳ gần Sở, họ ngồi đối diện nhau.
Na Lan nói, “Chú ạ, cháu đã hiểu lầm chú, cháu xin lỗi. Cháu mới là người bị tẩu hỏa nhập ma.”
Vẻ mặt Trần Ngọc Đống đầy mệt mỏi, nhưng đôi mắt có thần, sắc sảo hơn hẳn lúc bắt đầu bị thẩm vấn tối qua, hình như sống một đêm “tù nhân dự bị” đã cho ông thêm năng lượng. Ông lắc đầu nói, “Đừng sớm kết luận vội. Chính tôi cũng chưa loại trừ khả năng mình là nghi phạm... tuy nhiên sự việc xảy ra khiến tôi hiểu rõ một điều.”
“Chắc hung thủ không phải là Mễ Trị Văn?”
“Điều này không ai dám loại trừ, các kỹ thuật viên còn chưa xác định cái xác ấy được chôn ở bồn hoa đó bao lâu. Rất có thể trước khi bị vào tù lão đã bố trí cài bẫy tôi.”
“Là gì?”
“Vì tôi đã bắt nhầm người, bắt nhầm La Cường.”
Na Lan cau mày không hiểu. Điều này đã kết luận từ lâu rồi mà? Nhưng cô lập tức hiểu ý Trần Ngọc Đống, các vụ án “ngón tay khăn máu” xảy ra sau khi xử tử La Cường không phải là sự mô phỏng vụng về, nói cách khác La Cường vô tội, tội của hắn không đến mức phải tử hình. Na Lan gật đầu, cô hiểu tâm trạng của người cảnh sát kỳ cựu. Phải có lòng can đảm cộng với thời gian thì mới dám thừa nhận sơ xuất của mình. Nhưng cô vẫn hỏi, “Công an vẫn chưa có đủ chứng cứ kết luận rằng La Cường không liên quan đến vụ án mạng trước đó cơ mà?”
“Trái lại chứ! Khi xưa quy tội La Cường đã có không ít chứng cứ, nhưng lần này chúng ta biết xác của Phạm Tiểu Lâm bấy lâu bị chôn ở ngoài cửa sổ nhà tôi, đó là hung thủ chế giiễu tôi, là sự trừng phạt tôi vì tôi đã mắc sai lầm.”
“Có lý! Chú phân tích tâm lý rất chuyên nghiệp.”
“Tôi tiếp tục suy nghĩ, nhận ra điều này rồi thì có gì gợi mở cho việc phá án không.”
“Chúng ta hiểu quá ít về hung thủ, chưa thể suy diễn về động cơ gây án, cách thức chọn đối tượng của y.”
“Cũng là một quan điểm.”
Na Lan hỏi, “Vậy cháu nên làm gì?”
Trần Ngọc Đống nghĩ ngợi, rồi nói, “Cháu nói trước xem. Cháu cũng đang muốn gặp tôi kia mà? Chắc không chỉ vì để xin lỗi?”
“Lúc đầu được anh Ba Du Sinh bố trí nhiệm vụ, cháu đã đọc toàn bộ hồ sơ về vụ án và hồ sơ về các cô gái nạn nhân, cháu quy nạp ra một nét chung, họ đều là thiếu nữ có nhan sắc.”